bg

Kỹ thuật úm gà con giai đoạn từ 1 đến 4 tuần tuổi - Cách úm gà con mới nở

12/10/2018

Trong giai đoạn úm, việc chăm sóc gà con mới nở được ví như chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh.

Gà con mới nở, các hệ chức năng chưa hoàn chỉnh: hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, và đặc biệt là hệ miễn dịch trong giai đoạn này chủ yếu là kháng thể mẹ truyền nên chưa thích nghi với môi trường sống bên ngoài đặc biệt là sự chênh lệch nhiệt độ giữa máy ấp (>37oC) với nhiệt độ môi trường.

Do đó, gà dễ nhiễm các bệnh nguy hiểm ngay thời kỳ đầu, dẫn tới tỉ lệ chết cao, con giống còi cọc, không đều, chậm lớn.

Vì vậy, kĩ thuật úm gà đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và khoa học nhằm giúp gà con hoàn thiện cơ thể nhanh chóng, nâng cao sức đề kháng ngay từ đầu, là tiền đề cho sự phát triển tốt nhất trong suốt thời gian chăn nuôi sau này.

Công tác chuẩn bị úm gà

Xác định địa điểm, vị trí và diện tích quây úm

Phòng úm phải đặt tại đầu hướng gió và cách biệt hoàn toàn với khu chăn nuôi khác. Điều này hạn chế sự lây lan dịch bệnh từ các khu vực khác tới khu vực quây úm.

Lựa chọn vị trí quây úm nên ở vị trí trung tâm phòng úm, tránh cửa ra vào và quá sát tường để hạn chế hiện tượng gió lùa.

Diện tích quây úm sao cho đảm bảo mật độ nuôi thực tế là 60 - 80 con/m2.

Tiến hành vệ sinh khử trùng

khử trùng chuồng trại

Khử trùng chuồng trại

Dọn toàn bộ chất bẩn hữu cơ ra khỏi chuồng.

Rửa chuồng và các thiết bị bằng nước sạch hoặc vòi nước cao áp. Các bề mặt có chất bẩn bám lâu ngày có thể ngâm vài ngày trước khi rửa.

Người chăn nuôi nên 6 tháng thay đổi thuốc sát trùng 1 lần. Sử dụng lượng thuốc khử trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Phải luôn mặc quần áo bảo hộ (kính, găng tay,…) trong khi làm công việc sát trùng.

Dùng nước vôi trong phun, phụt vào các khe, kẽ của tường, ngâm nền chuồng bằng nước vôi tôi từ 2 -3 ngày, sau đó rửa sạch. Nếu xông chuồng bằng formol thì phải chú ý tới liều lượng và thuốc tím.

Người khử trùng phải được huấn luyện sử dụng hóa chất một cách an toàn, luôn mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ phòng độc.

Để trống chuồng tối thiểu 14 ngày trước khi nhập gà giống về để làm tăng thêm hiệu quả của việc vệ sinh khử trùng.

Rải chất độn chuồng

Rải chất độn chuồng

Rải chất độn chuồng ít nhất 72 giờ trước khi thả gà con.

Sau khi khử trùng ít nhất 12 giờ mới rải chất độn chuồng (thường là trấu). Cần dải chất độn truồng ít nhất 72 giờ trước khi thả gà con.

Hạn chế tối đa việc vào chuồng để tránh lây nhiễm.

Tập kết đầy đủ dụng cụ cho úm và tạo dựng quây úm.

Dùng cót quây có độ cao 70 – 80cm để thuận tiện cho công tác quản lý, theo dõi, chăm sóc. Mỗi ô quây nên có diện tích khoảng 6m2, tương đương quây tròn đường kính khoảng 2,8m hoặc ô chữ nhật kích thước 2mx3m.

Rải chất độn chuồng, thường là trấu để rải nền dày tối thiểu 10cm. Việc rải chất độn chuồng để hạn chế cơ thể gà con (gà thường có tập quán nằm, tãi đất) và đặc biệt gan bàn chân (nơi có rất nhiều mạch máu đi qua) tiếp xúc trực tiếp với đất lạnh, giúp cho hệ các hệ chức năng của gà con được hoàn thiện.

Mặc khác, trấu còn có tác dụng điều hòa nhiệt, vào mùa hè và mùa đông, gà thường dũi mình nằm sâu dưới lớp trấu để làm mát hoặc giữ nhiệt cho cơ thể.

Có thể dùng men vi sinh trộn với chất độn chuồng để hạn chế mùi hôi trong quây úm.

Thiết kế hệ thống sưởi cho gà.

Nhiệt độ quan trọng hàng đầu trong kĩ thuật úm gà, đặc biệt 2 tuần tuổi đầu, khi gà con không thể tự điều tiết thân nhiệt. Gà con nếu bị quá nóng hay quá lạnh sẽ để lại hậu quả ở lòng đỏ loãng, không kết dính, căng thẳng, mất nước.

Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, khả năng sinh trưởng và hấp thụ thức ăn của gà sau này.

Hệ thống sưởi cho gà

Hệ thống sưởi

Hệ thống sưởi có thể dùng bằng điện, gas hay bếp than

Với phương pháp sưởi bằng gas ít được áp dụng. Đối với bếp than tuy có giá thành rẻ, nhưng lưu ý phải có hệ thống dẫn khí độc ra ngoài để tránh ngộ độc khí, việc điều chỉnh nhiệt tăng chậm và khó kiểm soát.

Trong trường hợp này khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng cách úm gà bằng bóng hồng ngoại loại 100W, tối đa là 175 W để tạo nhiệt.

bóng hồng ngoại

Bóng hồng ngoại

Nên sử dụng bóng hồng ngoại trong quây úm gà

Bóng hồng ngoại có hai tác dụng chính:

Thứ nhất: là tập trung nguồn nhiệt ngay phía dưới bóng, hạn chế phân tán nhiệt so với bóng đèn tròn thông thường; Thứ hai: là tạo ra tia hồng ngoại có tác dụng diệt khuẩn và kích thích xương phát triển tốt.

Chúng ta treo đều bóng trong khu quây úm, cách mặt đất 50 - 60cm, với mật độ 60 – 100 gà/bóng tùy theo mùa.

Chuẩn bị máng uống (bình 2 – 4 lit), máng ăn loại khay đường kính 60 – 70cm với mật độ 60 – 80 con/máng uống, máng ăn. Máng uống, máng ăn bố trí gần nhau và trải đều trong quây úm.

Chuẩn bị rèm phủ (nên sử dụng chiếu là tốt nhất, đảm bảo giữ nhiệt và thông thoáng, trường hợp không dùng chiếu thì sử dụng bạt nilon loại mỏng) cho quây úm.

Chuẩn bị nước sạch (không phèn, chua, mặn), thức ăn phù hợp cho gà con, các thuốc bổ trợ và Vitamin.

Tóm lại: Với một ô quây úm 6m2, ta rải trấu dày tối thiểu 10cm, vào mùa đông nên sử dụng 06 bóng hồng ngoại loại 100W, 06 máng ăn đường kính 60 – 70cm, 06 bình uống 2 – 4 lit cho khoảng 400 gà, có rèm phủ trần; còn vào mùa hè, giảm bóng hồng ngoại xuống còn 04 cái, không cần rèm phủ trần và cho khoảng 350 gà.

Tiếp nhận con giống

Trước khi tiếp nhận con giống

Trước khi tiếp nhận con giống, chúng ta sưởi ấm quây úm trước khi gà con về ít nhất là 2 giờ.

Việc chuẩn bị trước này nhằm tăng nhiệt và ổn định nhiệt sẵn, giúp cho gà con mới chuyển về có thể thích ứng ngay với nhiệt độ môi trường trong quây úm.

Tiếp nhận con giống

Khi nhận gà về trại cần kiểm tra và lưu giữ giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (bản sao)

Kiểm tra tình trạng hộp gà còn nguyên vẹn, kiểm tra tình trạng niêm phong của đơn vị cung cấp giống, kiểm tra ngày tháng xuất hàng đóng dấu trên hộp đựng gà.

Tiếp nhận con giống

Tiếp nhận con giống

Kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng và ghi chép vào sổ theo dõi mua gà giống. Tuyệt đối không mua gà chưa có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y có thẩm quyền.

Kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe đàn gà để khẳng định gà chuyển về đang khỏe mạnh.

Úm gà con

Thả con giống vào quây úm, cho gà con uống và ăn

Thả gà con nhẹ nhàng, từ từ và phân bổ gần vào gần các máng uống, máng ăn.

Điều chỉnh nhiệt độ trong quây úm theo tiêu chuẩn sau:

Nhiệt độ quây úm

Nhiệt độ phù hợp trong quây úm

Cho gà uống nước pha với Vitamin hoặc thuốc bổ tổng hợp với liều lượng 2 – 3g/lit. Nên cho gà ăn ngay sau uống nước để để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện cơ thể của gà con. Lượng nước và thức ăn cho gà nên đổ ít một vào khay.

Cho uống, ăn 2 giờ/lần để kích thích thèm ăn cho gà con, gà ăn hết mới đổ thức ăn mới, còn nước uống không hết thì đổ đi thay nước mới vào

Cho gà ăn

Cho ăn uống 2 giờ một lần

Chăm sóc, theo dõi sức khỏe đàn gà trong giai đoạn úm

Chăm sóc, theo dõi sức khỏe đàn gà con

Trong quá trình chăm sóc và theo dõi sức khỏe đàn gà phải luôn luôn để ý tới 4 yếu tố sau:

Nhiệt độ ngoài việc theo dõi nhiệt độ bằng nhiệt kế, ta có thể quan sát tình trạng đàn gà để đánh giá nguồn nhiệt bằng kinh nghiệm và điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp

nhiệt độ úm

Nước uống, thức ăn: luôn luôn đảm bảo đầy đủ nước uống sạch, thức ăn đúng loại cho gà.Thường xuyên cọ rửa máng uống, máng ăn cho gà được sạch sẽ. Điều chỉnh độ cao của máng uống cho gà được hợp lý.

Môi trường trong quây úm: phải đảm bảo độ thông thoáng, ấm áp, hạn chế tối đa chất độc hại do mùi tạo ra, đặc biệt là mùi amoniac từ phân gà ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gà con xõa cánh, khô chân, hấp thu thức ăn giảm, viêm hoại tử đường ruột, lông xù hoặc bết, mặt tái,…

Ánh sáng: Duy trì hệ thống chiếu sáng để kích thích tính thèm ăn và tiêu hóa cho gà con. Thời gian chiếu sáng phụ thuộc vào nhiều loại hình chuồng kín hay hở, mùa hè hay mùa đông.

Nên tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cho gà. Nhu cầu chiếu sáng cho gà con như sau:

nhu cầu chiếu sáng

Nhu cầu chiếu sáng

Ghi chép sổ sách hàng ngày và lưu giữ hồ sơ

  • Tình trạng đàn gà trong ngày
  • Số gà chết
  • Số gà loại
  • Tổng số gà cuối ngày
  • Số lượng thức ăn tiêu thụ trong ngày (kg)
  • Thuốc/vaccine sử dụng trong ngày

Những lỗi thường gặp trong úm gà

  • Úm gà con ngay cạnh gà trưởng thành nên dễ lây nhiễm bệnh.
  • Mật độ nuôi quá dày không đảm bảo diện tích, dễ xô và chết đè.
  • Bố trí vị trí quây úm sát cửa ra vào dẫn tới hiện tượng gió lùa.
  • Thực hiện tạo dựng quây úm không đúng kiểu dẫn tới việc khó khăn trong việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe đàn gà: không tách thành các ô quây nhỏ, dây và bóng điện nhằng nhịt gây nguy hiểm.
  • Rải chất độn quá mỏng khiến gà con dễ bị lạnh thân và bàn chân, cơ thể không hoàn thiện.
  • Phân bố bóng sưởi không phù hợp: quá dày, quá thưa dẫn đến thừa hoặc thiếu nhiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe đàn gà.
  • Bố trí thiếu máng ăn, máng uống. Vị trí máng ăn, máng uống quá cao so với tầm với của gà con.
  • Bịt quá kín dẫn đến yếm khí.

 

Tin liên quan