bg

Hướng dẫn úm gà - Cách úm gà tiêu chuẩn

18/10/2018

Chăm sóc gà trong giai đoạn này cũng giống như chăm sóc trẻ sơ sinh, bởi trong giai đoạn này những cơ quan như: Hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, khung xương, và thân nhiệt của gà chưa phát triển và chủ động thích nghi được với môi trường bên ngoài.

Hôm nay công ty Lượng Huệ xin giới thiệu kỹ thuật để nuôi gà con nhanh lớn hy vọng sẽ giúp người chăn nuôi gà thực hành tốt nhất quy trình chăn nuôi tại trang trại.

Clip Hướng dẫn úm gà con

Tạo dựng quây úm gà

Vật liệu làm quây úm: thông thường là lá cót ép, cao từ 60-80cm quây thành ô tròn hoặc chữ nhật và dần nới ra theo sự tăng trưởng của đàn gà.

Diện tích khuyến cáo cho mỗi ô quây: khoảng 6m2, tương đương ô tròn đường kính 2.8-3m, tương đương ô chữ nhật 2mx 3m

Vị trí đặt quây úm: ở giữa chuồng, tránh cửa ra vào hay sát tường để hạn chế gió lùa và lây lan dịch bệnh.

Mật độ quây úm thực tế: 60- 80 con/m2 trong 3 ngày đầu. Vậy với một ô quây 6m2 có thể úm được từ 360-480 gà.

Thiết kế thống đèn sưởi trong quây úm

Cần phải chú trọng đặc biệt bởi trong giai đoạn đầu gà con chưa thể tự điều chỉnh được thân nhiệt.

Thiết bị sưởi thường được sử dụng và khuyến cáo nên dùng là bóng hồng ngoại, nên chọn loại bóng có công xuất tối thiểu là 100W và tối đa là 250W. Bố trí dàn bóng phân bổ đều trên quây úm với mật độ là 60- 100 gà/bóng.

Chiều cao của bóng treo so với mặt nền chấu là: 50- 60cm. Bóng hồng ngoại được sản xuất khuyến cáo dùng cho động vật non, giúp tập trung nhiệt tốt hơn, kích thích hệ miễn dịch và tăng trưởng cho gà con.

Nhu cầu chiếu sáng của gà con

Thời gian chiếu sáng cho gà

Kiểm soát nhiệt độ trong quây úm

2 tiếng trước khi đưa gà về, người chăn nuôi cần thắp bóng trước để tạo nhiệt sưởi trước cho gà.

 

Để đánh giá được tình trạng nhiệt độ trong quây úm, người chăn nuôi cần quan sát và theo dõi mật độ phân bổ của gà quanh quây úm cũng như nguồn nhiệt như sau:

Nhiệt độ quây úm

Nhiệt độ vừa vặn gà con phân bổ đều trong quây úm

Có gió lùa: Gà kêu râm ran, tập trung lại vào một chỗ tránh hướng gió lùa vào.

Quá lạnh: Gà con tập trung hết vào dưới nguồn nhiệt

Quá nóng: Gà con tản ra xa vị trí nguồn nhiệt

Kiểm soát chất độn chuồng

Chất độn chuồng có tác dụng đều hoà thân nhiệt do đó nhiệt độ của nền chuồng rất quan trọng, đặc biệt trong 2 tuần đầu tiên và tránh để cho lòng bàn chân của gà con tiếp xúc trực tiếp với nền chuồng  và mất nhiệt.

Chất độn chuồng thường được sử dụng nhất: Trấu, mùn cưa. Cần phải rải trấu vào trước ít nhất 72 giờ trước khi thả gà con.

Cần khử trùng trấu trước ít nhất 12 giờ trước khi đón gà về. Có thể thêm men vi sinh trộn với chất độn chuồng để hạn chế mùi hôi. Độ dầy của trấu trải trong quây úm phải dày nhất từ 10cm trở lên.

Độ ẩm thích hợp cho nền chuồng: Duy trì trong khoảng 25- 35% là lý tưởng. Lớp độn chuồng dưới máng uống và núm uống nên ở trong khoảng 35- 45%. Cần giảm áp lực nước và trải thêm trấu nếu thấy lớp độn chuồng quá ẩm.

Kiểm soát thức ăn - nước uống trong quây úm

Cho gà ăn và uống ngay sau khi thả vào quây úm. Cứ mỗi 2h lại thêm thức ăn và nước uống để đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống luôn tươi mới và kích thích tính thèm ăn của gà con liên tục.

Khay ăn và khay uống nên được bố trí đều ở quanh quây úm để đảm bảo gà con có thể tiếp cận với nguồn thức ăn và nước uống bất cứ khi nào cần.

Máng uống cho gà

Bố trí máng ăn với mật độ: 50-80 con/máng cho tuần đầu tiên

Máng uống kê cao sao cho chiều cao của mép máng = chiều cao lưng gà khi đứng thẳng. Kê máng uống cao dần theo sự lớn lên của gà.

Nếu sử dụng hệ thống núm uống thì cần chú ý chiều cao của núm uống tương đương chiều cao tầm mắt gà khi đứng thẳng. Từ ngày thứ 4 trở đi, dần điều chỉnh độ cao núm uống. Gà không cần phải kiễng chân lên mới tiếp cận được nguồn nước.

Cách kiểm tra quây úm:

Kiểm tra diều gà sau 8 giờ đưa vào chuồng: đảm bảo ít nhất 85% số gà được kiểm tra phải có thức ăn và nước uống trong diều.

Đảm bảo Ít nhất 95% số diều gà phải căng đầy vào buổi sáng hôm sau- sau hôm đưa gà về chuồng úm.

Mối liên hệ giữa thức ăn và nước uống:

Trong 24 giờ đầu tiên, lượng nước tiêu thụ tối thiểu cho gà là 1ml/con gà.

Thông thường, lượng nước gà uống vào trong ngày thường gấp từ 1.6 – 2 lần lượng thức ăn. Người chăn nuôi cần phải theo dõi thường xuyên lượng thức ăn và nước uống gà con uống vào hàng ngày.

Thức ăn và nước uống cho gà

Lưu ý: Lượng nước cho gà uống sẽ thay đổi tùy theo nhiệt độ môi trường, tuổi gà, tịnh trạng sức khoẻ và chất lượng thức ăn.

Cách đánh giá và đo lường hiệu quả tăng trưởng của gà trong giai đoạn úm

Để đánh giá hiệu quả chăm sóc và úm gà tuần đầu tiên, người chăn nuôi có thể dựa vào những tiêu chí căn bản nhất là:

Tỉ lệ chết: Tỉ lệ chết sau 7 ngày cộng dồn lại tối đa không vượt quá 2%

Cân nặng mục tiêu gà tại ngày thứ 7: bằng từ 2.5- 3 lần (Với gà ri, ta)  và 4- 4.5 với gà trắng.

Tỉ lệ chết và cân nặng gà sau 7 ngày là 2 trong số các chỉ tiêu căn bản giúp đánh giá chất lượng quá trình chăm sóc và quản lý chăn nuôi gà con.

Việc lựa chọn con giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh sẽ tạo tiền đề tốt cho chăn nuôi hiệu quả góp phần tăng cao lợi nhuận.

Gà chết trong quây úm

Người chăn nuôi cần lựa chọn cơ sở uy tín, con giống có sức đề kháng cao với bệnh tật để hạn chế tối đa hao hụt trong quá trình chăn nuôi đến khi xuất bán.

Trên đây là những kỹ thuật nằm lòng trong chăm sóc gà con rất dễ thực hành, làm tốt theo quy trình này chắc chắn nuôi gà con nhanh lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

Tin liên quan